Điều trị và chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh

giamcan24h

Điều trị và chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh

Bệnh tim bẩm sinh bao gồm các dị tật của buồng tim, van tim, vách tim và các mạch máu lớn, xảy ra ngay từ lúc còn ở thời kỳ bào thai. Theo thống kê của các chuyên gia về bệnh tim bẩm sinh trên thế giới thì tần suất bệnh tim bẩm sinh vào khoảng 0,7 – 0,8%, không phân biệt chủng tộc, màu da, trình độ phát triển kinh tế, văn hoá xã hội… Tỷ lệ tử vong chung của bệnh tim bẩm sinh là 5 – 10% tổng số người mắc bệnh, đa số xảy ra trong 2 năm đầu đời.

Bệnh tim bẩm sinh cũng như hầu hết các bệnh khác đều liên quan rất nhiều đến yếu tố nội tại, di truyền cũng như yếu tố ngoại lai.

1. Các dấu hiệu của bệnh tim bẩm sinh

Sốt cao;

Bú (ăn) kém hơn hoặc bỏ bú (ăn), nôn ói, sặc, tiêu chảy;

Trẻ bứt rứt vật vã, liên tục quấy khóc hoặc mệt lả, li bì, lơ mơ;

Thở nhanh, thở khó, lồng ngực bị rút lõm, ho nhiều và tiết nhiều đàm nhớt;

Da xanh tái hoặc tím nhiều hơn vã mồ hôi nhiều, chi lạnh…

2. Một số bệnh tim bẩm sinh thường gặp và cách điều trị


Còn ống động mạch

Ống động mạch tồn tại trong thời kỳ bào thai và sẽ đóng lại trong vòng 2 tuần đến 1 tháng đầu sau khi trẻ ra đời. Trường hợp sau thời gian trên mà ống không đóng lại gọi là dị tật còn ống động mạch. Thường hay gặp ở trẻ sơ sinh non tháng. Phương pháp điều trị dùng thuốc trong những ngày đầu mới sinh hoặc can thiệp bít dụng cụ hoặc phẫu thuật thắt ống động mạch.

Thông liên thất, thông liên nhĩ

Tồn tại lỗ thông bất thường trên vách ngăn giữa hai buồng tâm nhĩ và/ hoặc hai buồng tâm thất. Lựa chọn phương pháp điều trị tuỳ thuộc vào vị trí giải phẫu và kích thước của lỗ thông. Đối với các lỗ thông kích thước rất nhỏ có thể theo dõi định kỳ, các lỗ thông kích thước lớn hơn cần đóng lỗ thông bằng can thiệp dụng cụ hoặc phẫu thuật vá lỗ thông.

Hẹp eo động mạch chủ

Vị trí eo động mạch chủ có thể hẹp bất thường gây cản trở tim bơm máu đi nuôi cơ thể. Điều trị phẫu thuật cắt bỏ chỗ hẹp rồi nối lại bằng đoạn mạch nhân tạo hoặc can thiệp nong bóng hoặc đặt stent vị trí hẹp eo.

Bất thường van tim

Một số trẻ sơ sinh bị bệnh hở van tim 2 lá, hẹp van tim hoặc teo tịt van bẩm sinh cần điều trị được bằng can thiệp hoặc phẫu thuật.

Tứ chứng Fallot

Là dị tật bao gồm 4 bất thường tim bẩm sinh gây ra tình trạng máu nuôi cơ thể là máu pha trộn, trẻ có triệu chứng tím với các mức độ khác nhau từ khi sinh ra. Trẻ có thể được điều trị phẫu thuật sửa chữa trong những tháng đầu sau sinh.

Hội chứng thiểu sản thất trái

Là dị tật tim bẩm sinh trong đó buồng thất trái rất nhỏ không thực hiện được chức năng. Nếu không được phẫu thuật trẻ có thể tử vong trong vài tuần đầu sau sinh.

3. Một số điều lưu ý khi chăm sóc trẻ bị bệnh tim bẩm sinh

Về dinh dưỡng cho trẻ

Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh dễ bị suy dinh dưỡng do bú kém, biếng ăn, cộng thêm tình trạng nhiễm trùng hô hấp tái phát nhiều lần khiến sự dung nạp thức ăn kém hơn bình thường (do ruột yếu vì bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu oxy) trong khi nhu cầu năng lượng lại cao nên các bà mẹ cần được bác sĩ tư vấn về dinh dưỡng cho trẻ.

Nhìn chung, nên cho bé bú sữa mẹ, bú nhiều cữ trong ngày nhưng mỗi cữ bú không nên kéo dài quá. Nếu trẻ đã ăn dặm thì cũng nên cho ăn từng ít một, ăn nhiều lần tuỳ theo khả năng tiêu hoá của trẻ, ăn thức ăn dễ tiêu;

Sau khi cho trẻ bú nên bế đứng trẻ áp vào vai mẹ vài phút và vỗ nhẹ vào lưng để trẻ ợ hơi trước khi đặt nằm xuống. Sau mỗi lần bú nên đặt trẻ nằm nghiêng để nếu có bị ọc thì sữa không tràn vào mũi gây sặc;

Nếu trẻ không bú được (sinh non, có tật ở miệng, có bệnh nên mệt…) có thể vắt sữa mẹ cho uống, số lượng sữa trung bình trong ngày bằng 15% trọng lượng cơ thể;

Đối với những trẻ lớn nếu cần có chế độ ăn lạt thì phải tuân theo lời dặn của bác sĩ;

Cho trẻ uống đủ nước.

Vấn đề sinh hoạt của trẻ

Khi mắc căn bệnh thường gặp này tránh để trẻ quấy khóc, bú hoặc ăn quá no, chơi đùa lâu, rặn khi đi tiêu do táo bón… vì có thể làm cho tăng nhu cầu oxy, khiến trẻ có thể mệt, khó thở, tím tái nhiều hơn;

Nên cho trẻ nằm đầu cao chếch 45 độ, nhất là khi trẻ đang mệt, khó thở. Tránh các tác nhân kích thích như tiếng động lớn, ánh sáng chói, tã ướt, bụng đói… để trẻ được nghỉ ngơi yên tĩnh, ngủ ngon giấc;

Khi trời gió lạnh phải mặc ấm cho trẻ, trời nóng bức thì mặc đồ thoáng mát để trẻ được thoải mái;

Rửa tay sạch trước khi cho trẻ bú, ăn. Mẹ nhớ lau kỹ vú, nhất là đầu vú bằng nước ấm trước khi cho trẻ bú sữa mẹ;

Những người đang bị cảm cúm, nhiễm trùng không nên tiếp xúc hoặc chăm sóc trẻ;

Đồ dùng cho trẻ phải vệ sinh sạch sẽ;

Tái khám định kỳ để kiểm tra thể lực và tâm lý cho trẻ. Trẻ cũng cần phải chủng ngừa theo lịch tiêm chủng quốc gia như những trẻ bình thường;

Chú ý giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ;

Trước khi nhổ răng, cắt amidan, giải phẫu hoặc khi bị các vết thương có chảy máu phải báo cho bác sĩ biết để phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng.

4. Một số câu hỏi thường gặp khi có trẻ bị tim bẩm sinh


Trẻ được phẫu thuật sửa chữa dị tật tim bẩm sinh ở lứa tuổi nào?

Tuỳ từng loại dị tật tim bẩm sinh. Có những trường hợp yêu cầu phẫu thuật rất sớm ngay trong những tháng đầu sau sinh. Có thể là phẫu thuật sửa toàn bộ hoặc phẫu thuật sửa tạm thời. Trẻ bị tim bẩm sinh cần được theo dõi định kỳ với một bác sĩ tim mạch nhi để có những quyết định điều trị tại những thời điểm phù hợp.

Dị tật tim bẩm sinh có thể được chẩn đoán trước sinh?

Siêu âm tim bào thai có thể phát hiện và chẩn đoán chính xác nhiều dị tật tim bẩm sinh từ mẹ còn đang mang thai.

Có thể phòng ngừa mắc tim bẩm sinh?

Hầu hết các dị tật tim bẩm sinh đều không phòng ngừa được. Tuy nhiên bà mẹ trước khi có ý định sinh con có thể thực hiện một số bước làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh cho con: bổ sung vitamin, chủng ngừa phòng cúm và rubella, gặp bác sĩ để được tư vấn về lối sống, thức ăn và sử dụng thuốc khi mang thai, tránh tiếp xúc với các hoá chất độc hại.

Author

Tác giả Zim Violet

Tiền đang ở ngay trước mắt mình đó thôi! Tận dụng đi!!

0 nhận xét: