Bạn cần biết nên ăn gì và kiêng gì bởi thiếu dinh dưỡng thì gan không làm việc được, thừa dinh dưỡng thì gan sẽ khó loại thải các chất dư thừa. Những người bị bệnh viêm gan B luôn phải cần trọng trong ăn uống và một chế độ ăn uống hợp lý là một phần rất quan trọng đối với việc hỗ trợ điều trị bệnh.
Chế độ ăn uống hằng ngày của người bệnh gan nên chia ra nhiều bữa để cơ thể hấp thu tốt hơn, ăn uống điều độ, đúng giờ
Năng lượng: Đảm bảo 1600-1700Kcal/ngày (30-35Kcal/kg/ngày).Trong đó:
- Chất đạm: 1 - 1,5g/kg thể trọng.
- Chất béo: 15 - 20%.
- Chất bột đường: 300 - 400g/ngày.
Những thực phẩm người bị bệnh viêm gan B nên kiêng:
- Người bị bệnh gan nên tránh các loại thực phẩm chứa nhiều chất sắt như thịt đỏ (bò, heo, cừu…), gan, huyết, rau lá xanh (rau cải xoong, rau bina, cải xoăn…), lúa mạch, yến mạch…trong quá trình điều trị Interferon. Tránh nấu ăn bằng nồi sắt hoặc dùng thuốc bổ có chất sắt.
Hạn chế chất béo như bơ và mỡ động vật
- Người bị bệnh gan mãn tính nên có chế độ ăn ít chất béo như các món rán, bơ mỡ động vật, hay nội tạng động vật
- Không dùng nhiều gia vị, rượu, bia, chất kích thích...
- Không nên ăn những thực phẩm lạ dễ gây dị ứng, tránh ăn thực phẩm ôi thiu, các chất phụ gia độc hại, phẩm màu tổng hợp, các chất bảo quản thực phẩm.
- Khi ốm cần sử dụng thuốc thì phải hỏi ý kiến thầy thuốc để bảo đảm rằng loại thuốc đó không gây độc cho gan. Thêm nữa, phải giữ gìn vệ sinh thực phẩm để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Vì gan là cơ quan có chức năng chính là xử lý và đào thải chất độc cho cơ thể, nên khi bị ngộ độc thực phẩm gan sẽ phải làm việc nhiều hơn, có thể đẩy nhanh thêm quá trình tổn thương ở gan.
Viêm gan B lây qua đường nào? Bệnh lây qua đường tình dục và đường máu chứ không lây qua đường ăn uống nên nếu có người trong gia đình nhiễm virut viêm gan B thì vẫn có thể ăn chung và sinh hoạt chung.
Những thực phẩm tốt cho người bị bệnh viêm gan B:
- 50% protein trong ngày là do ngũ cốc cung cấp. Vì vậy một ngày bạn nên ăn thêm 200g hoặc 100g thịt, trứng và một cốc sữa là đủ
- Trong sữa bò có protein rất tốt cho người bệnh gan. Tuy nhiên chất béo trong sữa bò lại thuộc loại chất béo khó tiêu hóa. Vì vậy đối với những người gan yếu mỗi ngày chỉ nên uống một cốc sữa
- Nên ăn các loại đạm ít béo như thịt gà nạc, lợn nạc …
Trứng rất tốt cho người bị bệnh gan mãn tính
-Trứng cũng là một thực phẩm rất tốt cho những người bị bệnh gan mãn tính vì trong lòng trắng trứng có chứa methionin, eytein, eystin là các acid amin bảo vệ gan. Lòng đỏ trứng chứa nhiều chất béo nhưng chất béo này rất tốt cho gan. Vậy nên, nếu bạn không bị dị ứng với trứng, thì cách một ngày bạn ăn một quả trứng sẽ rất tốt cho gan của bạn
- Các vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho gan.Vì thế nên dùng rau củ và trái cây tươi, mềm, ít xơ, nhiều ngọt để cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất
- Mỗi ngày nên ăn ít nhất một loại rau có màu xanh đậm và một loại rau có màu cam (cà rốt, cà chua, bí đỏ...). Trái cây giàu Viatmin C như cam, quýt…
- Nên dùng dầu thực vật, dàu mè, dầu đậu nành
- Nên ăn những món hấp, luộc
- Uống nhiều nước mỗi ngày
Một số món ăn hỗ trợ điều trị viêm gan B
Theo Đông y, bệnh nhân nhiễm viêm gan siêu vi B biểu hiện với các triệu chứng như vàng da, vàng mắt, đau vùng hạ sườn… là một dạng của bệnh gan. Người bị viêm gan cần ăn uống đầy đủ, không nên quá kiêng cữ để duy trì tình trạng sức khỏe, giúp phục hồi tốt chức năng gan.
Canh đậu nành nấu cải trắng khô
Đậu nành 60g, cải trắng khô 45g, nhân trần 30g, uất kim (dái nhỏ của củ nghệ vàng) 9g, chi tử (quả dành dành) 6g,.
Đậu nành ngâm mềm và cải trắng khô nấu canh để ăn. Ngoài ra, nấu nhân trần và các loại dược liệu nói trên với 500ml nước, sắc còn 300ml, dùng để uống riêng vào buổi sáng và tối.
Tác dụng giúp thanh nhiệt khử thấp, thoái hoàng, thích hợp cho loại viêm gan lây nhiễm do virus.
Cháo rau má
Rau má tươi 100g, đậu xanh 50g, gạo tẻ 50g. Rau má rửa sạch cắt nhỏ, gạo, đậu xanh vo sạch cho vào nồi với lượng nước vừa đủ để nấu thành cháo nhừ. Cho tiếp rau má vào, nấu sôi lại vài phút. Ăn nóng lúc đói bụng với ít muối hoặc đường.
Món này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thích hợp với người bị viêm gan B cấp tính.
Rau má và đậu xanh có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
Canh trứng gà nấu câu kỷ, táo đỏ
Câu kỷ tử 30g, táo đỏ 20g, trứng gà 2 quả, nước 300ml. Nấu đến khi trứng chín. Vớt trứng ra, bỏ vỏ rồi cho vào chung với đường đỏ, nấu đến khi đường tan. Chia 1-2 lần, ăn trứng uống canh. Cách 2 ngày ăn một lần..
Món canh này có tác dụng bổ tỳ vị, bổ thận, trừ thấp, thích hợp dùng cho người bị bệnh viêm gan mạn tính.
Canh ba ba với khoai mài (hoài sơn), nhãn nhục
Hoài sơn 20g, nhãn nhục 20g, ba ba 1 con.
Dùng nước luộc ba ba rồi mới làm sạch, bỏ bộ lòng, rửa sạch. Cho ba ba (còn mai) cùng với hoài sơn, nhãn nhục vào nồi đất, thêm nước, ninh bằng lửa vừa, đến khi ba ba chín mềm, nêm nếm gia vị vừa ăn là được.
Tác dụng giúp ích khí dưỡng huyết, tiêu ung tán kết, rất tốt cho những người mắc bệnh thường gặp về gan như gan bị xơ cứng, viêm gan mạn tính.
Cháo gạo lứt, hải sâm
Những người bị viêm gan B mạn tính nên ăn cháo gạo lứt hải sâm
Gạo lứt 80g, hải sâm 40g, cải cúc (hoặc cải bẹ xanh) 40g, táo đỏ 8 trái.
Gạo lứt vo sạch, hải sâm ngâm mềm, cải cúc rửa sạch, cắt nhỏ, táo đỏ rửa sạch, bỏ hột. Nấu gạo thành cháo nhừ, cho các nguyên liệu vào nấu thêm với lửa nhỏ vài phút. Ăn nóng lúc đói bụng.
Món cháo này thích hợp với người bị viêm gan B mạn tính, cơ thể suy nhược, ăn ngủ kém.
Canh táo đỏ nấu đậu phộng
Táo đỏ, đậu phộng, đường phèn mỗi thứ 30g. Cho đậu phụng vào nồi đất trước, thêm nước, dùng lửa vừa ninh 20 phút. Táo đỏ bỏ hột, cho vào nồi đất ninh chung với đậu phụng, ninh thêm 20 phút, thêm vào đường phèn vào, ninh tiếp 5 phút là ăn được. Dùng mỗi tối trước khi ngủ, liên tục 30 ngày.
Món ăn này có tác dụng thông tỳ ích khí, khử thấp giải độc, dùng cho viêm gan cấp và mạn tính, xơ cứng gan.
Canh thịt heo nạc nấu nấm rơm
Nấm rơm tươi 200g, thịt heo nạc 200g.
Nấm rơm tươi rửa sạch, cắt miếng, bỏ chung vào nồi đất, thêm nước, dùng lửa vừa ninh đến khi thịt nạc chín mềm, thêm gia vị vừa miệng. Dùng ăn trong bữa cơm.
Món này có ác dụng giúp tư âm nhuận táo, kiện vị bổ tỳ, dùng cho chứng viêm gan mạn tính.
Cháo nhân trần
Nhân trần cao 50g, gạo tẻ 100g, đường trắng vừa đủ.
Dùng 600ml nước để sắc nhân trần trong 30 phút. Sắc 2 lần, hợp 2 lần nước lại, bỏ bã lấy nước đổ vào trong nồi, cho gạo tẻ vào, dùng lửa nhỏ hầm thành cháo, thêm đường trắng, trộn đều để ăn.
Món cháo này giúp thanh nhiệt giải độc, lợi thấp, thoái hoàng, thích hợp dùng cho người bị viêm gan vàng da lây nhiễm cấp tính, tiểu tiện khó, bí tiểu.
Ngoài ra để phòng chống bệnh viêm gan B ở trẻ sơ sinh bạn có thể tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh, điều này dựa trên những bằng chứng quốc tế tốt nhất có được và thông qua tham vấn với các chuyên gia toàn cầu.
0 nhận xét: